Giá dầu thế giới tăng 7% khi căng thẳng Nga – Ukraine không có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Giá dầu thế giới tăng 7% khi căng thẳng Nga – Ukraine không có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Giá dầu thế giới tăng khi tình hình Ukraine không có nhiều diễn biến tích cực, trong khi châu Âu vẫn bất đồng về việc có nên tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ nhập khẩu từ Nga của Mỹ hay không.
Giá dầu thế giới tăng 7% khi căng thẳng Nga – Ukraine không có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 7,69 USD (7,12%) lên mức 115,62 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 7,42 USD (7,09%) lên mức 112,12 USD/thùng.

Diễn biến trên xảy ra khi các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét liệu có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga vì cuộc xung đột với Ukraine hay không, trước thềm cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề trừng phạt Nga trong tuần này.
Tuy nhiên, ông John Kilduff, một đối tác của công ty quản lý đầu tư Again Capital LLC (Mỹ) cho biết một lệnh cấm vận kết hợp như vậy có thể là nền tảng cho những rắc rối trên quy mô toàn cầu về nguồn cung dầu.
Với rất ít dấu hiệu cho thấy xung đột Nga – Ukraine sẽ sớm giảm nhiệt, nhà giao dịch sẽ lại dành nhiều chú ý tới việc liệu thị trường có thể thay thế các thùng dầu của Nga trong trường hợp ngành năng lượng nước này bị trừng phạt hay không.
Một diễn biến đáng lo ngại khác là các hành động quân sự của lực lượng Houthi hồi cuối tuần trước đã gây ra sự sụt giảm sản lượng tạm thời tại một liên doanh lọc dầu của Saudi Aramco ở Yanbu. Sang ngày 21/3, Saudi Arabia cho biết họ sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu nào sau các hành động quân sự trên.
Diễn biến đó gây nhiều lo ngại về triển vọng thị trường các sản phẩm dầu vốn đã hỗn loạn, nơi Nga là nhà cung cấp chính và lượng hàng dự trữ toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Ngoài ra, báo cáo mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (còn gọi là OPEC+) cho thấy một số nhà sản xuất vẫn chưa đáp ứng hạn ngạch nguồn cung như đã thỏa thuận. Điều này càng khiến triển vọng nguồn cung dầu toàn cầu thêm ảm đạm./.

H.Thủy (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *