Lực lượng quân đội tự xưng tại Libya dỡ bỏ phong tỏa đối với các cảng dầu

Lực lượng quân đội tự xưng tại Libya dỡ bỏ phong tỏa đối với các cảng dầu

Ngày 19/8, Tướng Naji al-Moghrabi, Chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo vệ Lắp đặt Dầu khí (GIP) ở miền Đông Libya cho biết các nhóm trung thành với Tướng Khalifa Haftar đã thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa áp đặt đối với các mỏ dầu và bến cảng, đồng thời nối lại việc xuất khẩu và sản xuất dầu thô.

Chú thích ảnh

Một cơ sở lọc dầu ở Ras Lanuf, Libya. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Tướng Naji al-Moghrabi cho biết việc mở cửa trở lại các mỏ dầu và cảng sẽ cho phép sử dụng dầu thô lưu trữ trong các kho chứa dầu để cung cấp cho các nhà máy điện với khí đốt và giải tỏa việc người dân bị cắt điện trong thời gian kéo dài. Việc mở cửa trở lại các mỏ dầu và cảng vào lúc này chỉ liên quan đến việc khai thác dầu dự trữ để vận hành các nhà máy điện và bảo vệ cơ sở hạ tầng, hồ chứa và đường ống. Quyết định trên được đưa ra theo chỉ thị của Tướng Khalifa Haftar – người đứng đầu lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng sau khi nhóm họp với các quan chức thuộc chính quyền ở miền Đông Libya.

Từ ngày 17/1, các nhóm được GIP hỗ trợ gồm những người cam kết trung thành với lực lượng của Tướng Haftar đã phong tỏa các mỏ dầu và các cảng quan trọng nhất của Libya để yêu cầu phân phối công bằng các nguồn thu từ dầu, do Công ty Quốc gia Dầu mỏ (NOC) và Ngân hàng Trung ương có trụ sở tại Tripoli quản lý. Hiện NOC, vốn nhiều lần kêu gọi phi quân sự hóa cơ sở hạ tầng này, vẫn chưa đưa ra bình luận nào.

Libya có trữ lượng dầu dồi dào nhất ở châu Phi và kinh tế nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào loại khoáng sản này. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này bị tàn phá bởi tình trạng bạo lực và tranh giành quyền lực kể từ khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ sau cuộc nổi dậy năm 2011. Hiện tại Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở Tripoli được Liên hợp quốc ủng hộ và các nhóm vũ trang hậu thuẫn. Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông được lực lượng tự xưng LNA trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.

Nguồn: Báo Tin tức

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *