Nông sản Việt cạnh tranh với hàng EU khi thuế về 0%

Nông sản Việt cạnh tranh với hàng EU khi thuế về 0%

(HQ Online) – Nếu không đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng, nông sản Việt không những không tận dụng được lợi thế để xuất khẩu vào EU mà thậm chí còn có thể mất luôn “sân nhà”.

nong san viet canh tranh voi hang eu khi thue ve 0
Hạt điều xuất khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ảnh: N.H.

Nói về những tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, Hiệp định EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như nông sản và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp cận thị trường 28 quốc gia thành viên EU hơn 500 triệu dân. Từ đó, có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Đông Nam Á.

Cụ thể, khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn ở mức 6-22%), 50% số dòng thuế còn lại cũng giảm về 0% sau 3 đến 7 năm; các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước trái cây, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên… cũng được xóa bỏ thuế ngay cũng cơ bản được xoá bỏ thuế ngay. Với ngành gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công thương nhận định, EVFTA là một dấu ấn quan trọng không chỉ với riêng Việt Nam mà trên toàn cầu. Giữa thời điểm thế giới nhiều vấn đề phức tạp thì đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung, DN Việt Nam nói riêng, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã khuyến cáo các DN “chủ động nhưng không chủ quan” nhằm tận dụng được các cơ hội từ EVFTA. Bởi lẽ, dù nhận được những ưu đãi rất lớn về thuế quan, song những thách thức mà nông sản Việt phải đối mặt cũng không hề nhỏ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đánh giá thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Ví dụ không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép. Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.

Do đó, các DN Việt Nam cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu. Cùng với đó, cần cải thiện năng suất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Không chỉ đối mặt với thách thức về hàng rào kỹ thuật tại các nước nhập khẩu, nông sản Việt còn phải chịu sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa khi EVFTA có hiệu lực. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, khi thuế giảm về 0%, hàng hoá từ các nước EU sẽ tràn vào Việt Nam. Nếu hàng hoá của Việt Nam không nâng cao được chất lượng, mẫu mã, thương hiệu không tốt thì thị trường trong nước cũng sẽ rơi vào tay nước ngoài. “Hiện ở một số nước EU, giá thành thịt heo chỉ 26.000 – 28.000 đồng/kg, sẽ là nguy cơ nếu chúng ta không củng cố thị trường tốt” – ông Cường cho hay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, sức ép cạnh tranh này có tính hai mặt. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các DN yếu kém, nhất là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung; tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong EVFTA.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:

Để khai thác lợi thế của EVFTA, ngay từ đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Theo đó, ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu theo hướng liên kết sản xuất chuỗi bền vững đối với 3 trục ngành hàng chính là sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và nhóm hàng đặc sản bao gồm sản phẩm đã được cấp 39 chỉ dẫn địa lý. Cả ba trục này được sản xuất liên kết chuỗi với quy trình chặt chẽ từ công đoạn nguyên liệu, chế biến, đến công đoạn tổ chức thị trường. Thời gian tới, những việc này sẽ làm quyết liệt, cụ thể hơn cho từng ngành hàng, lĩnh vực thông qua sự phối hợp với các hiệp hội ngành hàng ở từng địa phương. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng phải phù hợp với từng mặt hàng, từng công đoạn, có nơi cần đầu tư 4.0 nhưng có nơi chỉ cần 3.0, thậm chí chỉ 2.0. Ví dụ như sản xuất để thu hút du lịch thì chỉ cần 2.0.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Việc mở cửa một thị trường đòi hỏi rất nhiều nỗ lực chung và sắp tới Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có sự phối hợp quyết liệt hơn. Tuy nhiên DN cũng phải chủ động vào cuộc. Bởi cắt giảm thuế quan là điều kiện cần nhưng vấn đề còn lại là câu chuyện của DN, của thị trường. Ví dụ như thị trường Philippines muốn nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam, nhưng không có DN nào đăng ký muốn xuất khẩu thì bộ ngành không thể làm thay DN. Hay với ngành gạo, dù có hơn 150 DN xuất khẩu gạo nhưng sau đó các thị trường nhập khẩu đều đòi hỏi sản phẩm phải gắn với yêu cầu truy xuất nguồn gốc, gắn với cấp phép nhập khẩu nên DN phải có sự thay đổi để đáp ứng vấn đề này.

Chủ tịch HĐQT Công ty Intimex Đỗ Hà Nam:

Trước đây nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu dưới dạng thô với thuế suất thấp nên tác động của EVFTA đối với nông sản thô là không cao. Tuy nhiên, những sản phẩm nông sản đã qua chế biến của Việt Nam xuất khẩu vào EU lại bị đánh thuế rất cao. Do đó, EVFTA sẽ giải được bài toán về thuế đối với nông sản chế biến sâu vào EU. Ví dụ như sản phẩm cà phê hòa tan, thuế hiện là 20-40%, do đó việc đưa thuế suất của mặt hàng này về 0% trong hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy mạnh việc xuất khẩu cà phê chế biến, do nhu cầu đối với mặt hàng này hiện rất lớn.

Hiện nhiều nước đã đầu tư dự án chế biến cà phê tại Việt Nam. Đối với mặt hàng gạo, hiện phần lớn gạo của Việt Nam được bán tại châu Á. Trong khi nhiều mặt hàng gạo của Việt Nam hoàn toàn có thể vào được EU, nhưng cái khó là thuế quá cao. Mặc dù EVFTA mở hạn ngạch cho gạo Việt Nam ở mức rất thấp, nhưng đây sẽ là bước đầu khai thông cho một số thị trường mới của Việt Nam.

Nguồn: Báo Hải Quan Online

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *