Petrolimex và PVOIL đảm bảo cung ứng xăng dầu theo đúng sản lượng hợp đồng

Petrolimex và PVOIL đảm bảo cung ứng xăng dầu theo đúng sản lượng hợp đồng

Petrolimex và PVOIL khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung cho các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống và sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã cam kết với các cửa hàng xăng dầu đại lý, nhượng quyền.
Một cửa hàng xăng dầu của PVOIL tại Hà Nội. Ảnh: PVOIL

Hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung cho các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống và sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã cam kết với các cửa hàng xăng dầu đại lý, nhượng quyền.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, PVOIL hiện đang là đầu mối có thị phần cung cấp xăng dầu lớn thứ hai ở trong nước sau Petrolimex. Trong thời gian qua, trên cơ sở theo dõi sát biến động của thị trường, PVOIL luôn luôn phối hợp chặt chẽ với các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như các nhà cung cấp ở nước ngoài để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định cho hệ thống phân phối.
PVOIL cũng đề nghị Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất để trong trường hợp nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn, PVOIL sẽ chủ động nhập khẩu xăng dầu và nguồn xăng dầu dự trữ lưu thông phân phối để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt từ nhà máy lọc dầu trong nước.
Với phương án chủ động linh hoạt như vậy, hơn 620 cửa hàng bán xăng dầu trực thuộc và hệ thống kho cảng của PVOIL trên khắp cả nước luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, PVOIL cũng đảm bảo cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cam kết theo hợp đồng đã ký với 2.500 cửa hàng nhượng quyền trên khắp cả nước, ông Dương khẳng định.
Tương tự như vậy, đại diện Petrolimex cũng cho biết, ngay khi có thông tin nguồn xăng dầu trong nước có thể bị thiếu hụt do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có thể tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất, Tập đoàn đã có các phương án chủ động để kịp thời nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, khoảng  2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc Petrolimex luôn mở cửa phục vụ, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước.
Còn đối với 2.800 cửa hàng đại lý, nhượng quyền của Petrolimex, Tập đoàn cũng đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng theo đúng cam kết về sản lượng trong hợp đồng, đại diện Petrolimex khẳng định.

Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo điều tra của phóng viên, hiện giá xăng dầu thế giới vẫn ở mức rất cao nên trong lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày thứ sáu tới đây, giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng. Vì vậy, một số cửa hàng xăng dầu tư nhân, đại lý nhượng quyền ở các vùng sâu, vùng xa có thể xảy ra hiện tượng găm hàng chờ tăng giá.
Ngoài ra, thực tế tại các cửa hàng xăng dầu gần biên giới Tây Nam như ở An Giang cũng cho thấy, có hiện tượng mua gom xăng RON95 để mang bán qua biên giới do giá xăng dầu trong nước hiện thấp hơn giá xăng dầu thế giới và thấp hơn giá xăng dầu thả nổi của Campuchia.
Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam đã có chế tài xử phạt với các hành vi đầu cơ xăng dầu trục lợi. Theo đó, tuỳ mức độ mà có thể xử phạt bằng tiền, thậm chí rút giấy phép kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra hoạt động của các cửa hàng xăng dầu từ thời gian đăng ký mở cửa bán hàng đến nguồn hàng xuất nhập, để từ đó xử lý nghiêm các cửa hàng có dấu hiệu găm hàng trục lợi.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng như quản lý thị trường, bộ đội biên phòng…cần tăng cường kiểm tra, phát hiện các đối tượng vận chuyển xăng dầu trái phép qua biên giới để trục lợi về giá. Việc kiểm soát như vậy sẽ góp phần hạn chế tình trạng khan hàng tại các cây xăng sát biên giới như thời gian vừa qua.
Ngoài ra, để đảm bảo “huyết mạch” quan trọng của nền kinh tế khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh như hiện nay, việc sử dụng lượng xăng dầu dự trữ để đảm bảo nguồn cung chính là giải pháp cần thiết để bình ổn thị trường thị trường xăng dầu, ông Thịnh cho biết.
Trước đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thông báo ngừng hoạt động vào ngày 13/2 tới đây do không có đủ nguồn tài chính để hoạt động. Tuy nhiên, cuối tháng 1 vừa qua, các đối tác trong Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) bao gồm Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait- KPE, Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản- IKC và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản- MCI đã thống nhất được chủ trương phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và nguồn lực tài chính ngắn hạn cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định. Vì vậy, theo thông tin riêng của phóng viên, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động ổn định trở lại trong tuần tới và nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ được cải thiện hơn.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/2, giá dầu thế giới đã giảm hơn 2%, rời khỏi mức đỉnh của 7 năm đạt được gần đây trong bối cảnh việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran có thể hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân quốc tế và cho phép có nhiều dầu xuất khẩu hơn từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,9 USD (2,1%) xuống 90,78 đôla/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,96 USD (2,1%) xuống 89,36 USD/thùng./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *