Tình hình tại Afghanistan khiến giá dầu châu Á tiếp tục đà tăng

Tình hình tại Afghanistan khiến giá dầu châu Á tiếp tục đà tăng

 Trong phiên chiều 13/9 tại châu Á, giá dầu Brent tăng 67 xu Mỹ, hay 0,9%, lên 73,59 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 66 xu Mỹ, hay 1%, lên 70,38 USD/thùng, do tình hình tại Afghanistan.
Tình hình tại Afghanistan khiến giá dầu châu Á tiếp tục đà tăng. Ảnh: TTXVN phát

Giá dầu thế giới phiên 13/9 tiếp tục tăng do tình hình tại Afghanistan và những lo ngại về sản lượng của Mỹ, nước sản xuất nhiều nhất thế giới cùng với khả năng nhu cầu tăng.
Giá dầu Brent tăng 67 xu Mỹ, hay 0,9%, lên 73,59 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 66 xu Mỹ, hay 1%, lên 70,38 USD/thùng vào lúc 13 giờ 33 phút (theo giờ Việt Nam). Cả hai loại dầu trước đó đều ở mức cao nhất kể từ ngày 3/9.
Ngày 13/9, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, ông Zamir Kabulov, cho biết Nga đang xem xét khả năng gửi viện trợ nhân đạo bằng thực phẩm và thuốc men tới Afghanistan trong tương lai gần. Khi được hỏi về kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, ông Kabulov nêu rõ: “Thực sự điều này đang được xem xét”. Ông cũng tiết lộ Moskva lên kế hoạch chuyển “thực phẩm và thuốc men” tới Kabul.
Cùng ngày, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi thông báo ông đã tới Kabul để đánh giá nhu cầu nhân đạo tại Afghanistan. Trên trang Twiter, ông viết: “Trong chuyến thăm này, tôi sẽ đánh giá nhu cầu nhân đạo cấp thiết của Afghanistan và tình hình của 3,5 triệu người Afghanistan phải di tản. Tôi biết ơn tất cả các tổ chức LHQ, các tổ chức phi chính phủ và các nhân viên nhân đạo khác, những người đang làm việc vất vả để đáp ứng những nhu cầu đó”.
Trong khi đó, khoảng 3/4 hoạt động khai thác ngoài khơi vùng Vịnh Mỹ vẫn dừng kể từ cuối tháng Tám, với khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, gần tương đương với sản lượng “vàng đen” của Nigeria – quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã phục hồi sản xuất với tốc độ nhanh hơn sau tác động của cơn bão Ida, ngược lại với những cơn bão trước đó. Phần lớn trong số 9 nhà máy lọc dầu tại Louisiana chịu ảnh hưởng của cơn bão đã hoạt động trở lại.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng Ida là cơn bão duy nhất có tác động đến nhu cầu nhỏ hơn so với tác động đến sản lượng cả tại Mỹ và trên toàn cầu. Ngân hàng này ước tính cơn bão khiến dự trữ dầu của Mỹ giảm khoảng 30 triệu thùng và có thể làm gia tăng sự chênh lệch giữa giá sản phẩm lọc dầu và dầu thô của Mỹ cũng như nới rộng hơn khoảng cách giữa dầu WTI và dầu Brent.
Sự chú ý của thị trường tuần này sẽ tập trung vào việc OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế có thể điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu trong năm 2022 khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng.
Nhà kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore, Howie Lee, nhận định giá dầu có thể tiếp tục duy trì trong khoảng 70-75 USD/thùng. Các thị trường vẫn cần sự rõ ràng về những tác động của dịch không chỉ là trong ngắn hạn và cho đến khi đó, hầu hết các hàng hóa như dầu có thể tiếp tục giao động trong một khoảng ổn định.
Các rủi ro về nguồn cung vẫn còn do kế hoạch giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc, trong khi có những hy vọng về các cuộc đàm phán mới liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và phương Tây./.

Nguồn bnews.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *