2020 – một năm đầy biến động đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu

2020 – một năm đầy biến động đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu

Năm 2020 là một năm đầy biến động đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu, khi đại dịch COVID-19 làm sụt giảm nhu cầu và làm đảo lộn các tiêu chuẩn thị trường.
Đại dịch COVID-19 bùng phát làm sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trên thế giới. Ảnh: Benzinga/TTXVN

Bên cạnh đó, khi đầu tư vào dầu khí chịu tác động và đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn gia tăng, có những nhận định cho rằng năm 2020 sẽ đưa đến những thay đổi vĩnh viễn của thị trường năng lượng toàn cầu.
Năng lượng có thể là lĩnh vực chịu tác động của đại dịch lớn hơn hầu hết các lĩnh vực. Những hạn chế đi lại và các biện pháp phong tỏa mà chính phủ các nước thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã có tác động lớn đến nhu cầu năng lượng.

Khi công suất sản xuất công nghiệp bị giảm đáng kể do những yêu cầu về giãn cách xã hội và việc vận chuyển bị gián đoạn, nhu cầu dầu mỏ và các dạng năng lượng khác giảm mạnh.
Sự giảm sút nhu cầu, cùng với cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga, đã khiến giá dầu giảm mạnh. Từ mức 66 USD/thùng hồi đầu năm nay, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ là 19,33 USD/thùng vào ngày 21/4, khi đại dịch bùng phát trên thế giới.
Để ổn định giá dầu, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất khác như Nga, Azerbaijan, Malaysia và Mexico, còn gọi là nhóm OPEC+, đã nhất trí cắt giảm tổng sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng của toàn cầu.
OPEC+ đã hạ mức cắt giảm xuống xuống 7,7 triệu thùng/ngày vào tháng Tám, trước khi thông báo vào đầu tháng 12 về việc giảm thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021.
Trong khi những nỗ lực trên đã góp phần giúp giá dầu phục hồi lên khoảng 49 USD/thùng từ ngày 8/12, các công ty dầu mỏ và các nước sản xuất lớn đã chịu những thiệt hại.
Saudi Arabia, nơi dầu mỏ đóng góp khoảng 45% GDP, là một ví dụ, khi chính phủ nước này đã phải thực thi một loạt biện pháp củng cố tài chính, như tăng gấp ba thuế giá trị gia tăng, từ 5% lên 15%, dừng cấp tiền hỗ trợ cho người lao động trong lĩnh vực công và giảm chi cho một số chương trình trong chiến lược đa dạng hóa Tầm nhìn 2030.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự sụp đổ về nhu cầu năng lượng diễn ra cùng lúc với sự giảm sút mạnh về đầu tư cho lĩnh vực này. Trong báo cáo “Triển vọng năng lượng thế giới 2020” công bố hồi tháng 10/2020, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo đầu tư cho lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu sẽ giảm 18,3% trong năm nay, với tổng nhu cầu năng lượng giảm 5,3% và lượng khí thải giảm 6,6%.
Báo cáo của IEA dự báo đầu tư cho dầu mỏ, than đá và khí đốt sẽ giảm tương ứng 8,5%, 6,7% và 3,3%, trong khi đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo được cho là sẽ tăng 0,9%.
Với những dự báo mà báo cáo trên đưa ra, trong đó có dự báo rằng năng lượng tái tạo có thể đóng góp 80% trong tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong thập kỷ tới, một số ý kiến đánh giá đại dịch COVID-19 đưa đến thay đổi lớn trong cơ cấu năng lượng toàn cầu.
Đầu tư cho năng lượng tái tạo được hỗ trợ nhờ sự gia tăng các công cụ tài chính tập trung vào phát triển bền vững được phát hành trong năm 2020.
Dù sự sụt giảm đầu tư chung cho năng lượng, số liệu của Moody’s cho thấy lượng trái phiếu bền vững được phát hành trên toàn cầu đạt tổng 288,2 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *