Cuộc chiến sống còn của các công ty dầu khí toàn cầu

Cuộc chiến sống còn của các công ty dầu khí toàn cầu

Theo tờ Finacial Times của Anh, các công ty dầu khí lớn hiện phải quyết định xem mình sẽ là “kẻ sống sót” hay cũng chuyển hướng sang năng lượng sạch.
Giếng dầu của mỏ dầu Bibi Heybat ở ngoài khơi Biển Caspi, Azerbaijan. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi các nền kinh tế toàn cầu quay cuồng với tác động của đại dịch COVID-19, tác động đối với lĩnh vực năng lượng là rất lớn. Tuy nhiên, tác động này là không đồng đều. Nhu cầu đối với dầu mỏ và khí đốt giảm mạnh khiến giá của hai loại nhiên liệu hóa thạch này lao dốc.
Hồi tháng Tư, giá dầu ngọt nhẹ New York thậm chí còn xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Trong khi đó, năng lượng tái tạo lại là ngoại lệ. Tỷ trọng của loại năng lượng này trong nhu cầu điện toàn cầu đang tăng lên ngay cả khi người tiêu dùng sử dụng điện ít hơn.
Quá trình chuyển đổi năng lượng – gần như được định nghĩa là sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch – dường như vẫn nguyên vẹn dù có những lo ngại rằng COVID-19 có thể phá vỡ tiến trình này. Do đó, theo tờ Finacial Times của Anh, các công ty dầu khí lớn hiện phải quyết định xem mình sẽ là “kẻ sống sót” hay cũng chuyển hướng sang năng lượng sạch.
Các nhà phân tích cho rằng các khoản chi tiêu mới đang được thực hiện khi hệ thống năng lượng thế giới bắt đầu quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, tách khỏi nền tảng hạ tầng đã chỗng đỡ cho kỷ nguyên dầu khí và nền kinh tế toàn cầu trong hơn một thế kỷ qua, đồng thời hướng tới một hệ thống năng lượng tái tạo giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng đầu tư vào việc giảm khí thải carbon trong ngành công nghiệp năng lượng – bao gồm năng lượng tái tạo, thu giữ khí carbon và nâng cấp cơ sở hạ tầng điện – sẽ đạt 16.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Michele Della Vigna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên châu Âu của Goldman Sachs, nói: “Điều này sẽ dẫn đến lượng đầu tư cho cơ sở hạ tầng có thể so sánh với sự nổi lên của nhóm BRICS trong 20 năm qua”.
Việc Trung Quốc cam kết đạt mức khí phát thải thực bằng 0 vào năm 2060, Thỏa thuận xanh mới của EU và chương trình năng lượng sạch trị giá 2.000 tỷ USD do ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đề xuất nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, có nghĩa là cả ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đi cùng hướng.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn McKinsey cho rằng những cam kết táo bạo này đã góp phần thêm vào nhưng xu hướng đã và đang diễn ra.
Ngành công nghiệp dầu mỏ, một trong những nguồn phát thải lớn nhất hành tinh, cũng đang tham gia ngày càng nhiều vào xu hướng này.
Dù vậy, vẫn còn sự chia rẽ lớn. BP, một trong những tập đoàn dầu khí lâu đời nhất, năm nay đã bắt đầu nỗ lực thứ hai của mình trong lịch sử nhằm thay đổi thương hiệu thành một công ty hậu xăng dầu khi cam kết các mục tiêu giảm mạnh khí thải carbon và xây dựng thành một doanh nghiệp năng lượng tái tạo khổng lồ. Các tập đoàn Shell, Total và Equinor cũng đã có những cam kết tương tự.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *