Giá dầu thế giới phiên 28/3 giảm khoảng 7% do lo ngại về nhu cầu

Giá dầu thế giới phiên 28/3 giảm khoảng 7% do lo ngại về nhu cầu

Giá dầu giảm khoảng 7% trong phiên 28/3 sau khi trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc tiến hành phong tỏa để hạn chế số ca mắc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với nhu cầu dầu.
Giá dầu thế giới phiên 28/3 giảm khoảng 7% do lo ngại về nhu cầu. Ảnh: TTXVN

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 8,17 USD, hay 6,8%, xuống 112,48 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7,94 USD, hay khoảng 7%, và đóng phiên ở mức 105,96 USD/thùng.
Thượng Hải đã bước vào tình trạng phong tỏa hai giai đoạn đối với 26 triệu dân ở thành phố này trong ngày 28/3, trong nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Các con đường qua cầu và đường hầm đều bị chặn lại, trong khi đường cao tốc bị hạn chế.
Ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa trưởng của ngân hàng SEB (Thụy Điển), cho biết nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, được dự đoán sẽ giảm 800.000 thùng/ngày so với mức bình thường trong tháng Tư.
Bên cạnh đó, hy vọng về khả năng tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, có thể bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/3, cũng đè nặng lên giá dầu.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn giữ tâm lý lạc quan đối với giá dầu khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, gọi chung là nhóm OPEC+, sẽ nhóm họp trong ngày 31/3 để thảo luận về kế hoạch tăng hạn ngạch sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày.
Nhiều nguồn tin cho rằng OPEC+ có thể sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng nhẹ sản lượng dầu trong tháng Năm, bất chấp sự gia tăng mạnh của giá “vàng đen” do cuộc khủng hoảng Ukraine và lời kêu gọi bổ sung nguồn cung từ các nước tiêu thụ dầu lớn.
Trong khi đó, thị trường sắp đối mặt với tình trạng thâm hụt nguồn cung, khi lượng dầu thô giao ngay vào tháng Tư của Nga được dự đoán sẽ khó tìm được người mua. Nguồn cung dầu thô của Nga đã ít bị ảnh hưởng trong tháng Ba vì phần lớn đều đã được ký hợp đồng mua từ trước khi xung đột giữa nước này với Ukraine xảy ra.
Nhằm góp phần xoa dịu tình trạng nguồn cung thắt chặt, Mỹ đang cân nhắc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược thêm lần nữa, nhưng có thể chỉ với lượng hạn chế, vì lượng dầu dự trữ của nước này đang ở mức thấp./.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *