Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vận tải hàng hóa do COVID-19

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vận tải hàng hóa do COVID-19

 “Dưới góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhận thấy chúng ta cần đặt ra giả định, tất cả lái xe đều không có động cơ che giấu dương tính COVID-19. Đề nghị cho tự kinh doanh bộ xét nghiệm để chúng tôi tự thực hiện cho lái xe của mình. Thực tế năng lực của ngành y tế không thể đảm bảo xét nghiệm cho hàng triệu lái xe. Làm được điều này vừa giúp dành nguồn lực cho hoạt động chống dịch khác, vừa giúp doanh nghiệp vận tải giảm chi phí”.

Chốt kiểm soát dịch gây ách tắt giao thông vì nhiều quy định

Chốt kiểm soát dịch gây ách tắt giao thông vì nhiều quy định

Đó là một trong những giải pháp được ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH – Trưởng Ban công tác Hội viên VLA đề xuất tại tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do COVID-19” được tổ chức sáng nay (26/7).

Nhiều quy định gây khó doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam chia sẻ: “Hiệp hội thường xuyên nhận được thông tin phản ánh từ phía địa phương cũng như doanh nghiệp hội viên. Chúng tôi đã có nhiều văn bản báo cáo lên cơ quan thẩm quyền. Theo đó, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. So với trước dịch, sản lượng vận tải hành khách giảm sút 20% – 30%; Vận tải hợp đồng du lịch gần như đóng băng; doanh thu vận tải hàng hóa giảm sút 20% – 30%; Số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%…

“Một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại, đây là một chi phí khủng khiếp”.
Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH – Trưởng Ban công tác Hội viên VLA cho biết

Đặc biệt, khâu vận tải hàng hoá lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên. Đáng chú ý, nhiều đơn vị vận chuyển rau củ quả tươi sống, với áp lực thời gian vận tải nhanh, hàng hoá nhiều khi chưa được bao gói theo đúng quy cách, chưa được kiểm soát tận gốc, do đó khi lưu thông trên đường cũng phát sinh khó khăn…

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH – Trưởng ban công tác Hội viên VLA bày tỏ, trong thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều đối với doanh nghiệp vận tải đường bộ, doanh nghiệp đang ở trong tình trạng kiệt quệ khi hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên. “Một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại, đây là một chi phí khủng khiếp”, ông Nghĩa minh họa.

Đồng thời, ông còn dẫn chứng sự thiếu nhất quán của nhiều địa phương “khi vào khu vực cửa khẩu phải test COVID-19, trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải test PCR”. Sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương ứng xử thế nào đối với đường quốc lộ. Tại Hải Dương khi dịch lần 3 bùng phát, UBND tỉnh đã cho đóng cửa quốc lộ 18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hoá quốc lộ 1A và 18 bình thường, mặc dù mức độ dịch bệnh tại đây nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Mới đây nhất, cũng có thể thấy sự khác biệt giữa TP. HCM và Hà Nội. Trong khi quốc lộ 1A qua địa bàn TP. HCM không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16, tuy nhiên tại Hà Nội đã đóng cửa quốc lộ 1A để phong toả địa bàn. Ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi cho rằng trong trường hợp này chúng ta hoàn toàn có lựa chọn khác để đảm bảo quá trình lưu thông hàng hoá trên quốc lộ khi đi qua địa phận của mình”.

Ngoài ra vấn đề khác biệt trong quy định phòng chống dịch bệnh còn liên quan tới thời hạn và cách thức test với lái xe. Khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Ví dụ tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiệp hội chúng tôi ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

Hiến kế tháo gỡ đình trệ

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: “Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thời gian qua là thực hiện quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 nhưng không làm đứt gãy chuỗi hàng hoá. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các lãnh đạo Bộ, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo giao thông thông suốt. Bộ GTVT đã thành lập 4 đoàn công tác đến các địa phương, các tuyến quốc lộ, cao tốc để kiểm tra, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc”.

Tạo luồng xanh cho vận tải hàng hóa thiết yếu

Tạo luồng xanh cho vận tải hàng hóa thiết yếu

Liên quan đến khái niệm “luồng xanh”, hiểu một cách đơn giản, các phương tiện được đi trên một số tuyến giao thông cụ thể và trên tuyến đó sẽ được tạo điều kiện thuận tiện để lưu thông. Việc cấp thẻ nhận diện để các phương tiện lưu thông luồng xanh được các Sở GTVT triển khai thực hiện.

TP. HCM là nơi đầu tiên thực hiện, các doanh nghiệp, phương tiện được Sở GTVT cấp thẻ nhận diện có mã QR Code để vận chuyển hàng hoá thiết yếu vào thành phố khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Luồng xanh ưu tiên cho xe qua nhưng không có nghĩa buông lỏng phòng chống dịch. Đây là tiêu chí bắt buộc với xe luồng xanh. Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc hành trình di chuyển của lái xe, để từ đó có thể kiểm tra, xử lý nghiêm nếu lái xe không đảm bảo quy định phòng chống dịch cũng như đi lại.

Hiện trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ VN và theo báo cáo từ các Sở GTVT địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 thẻ luồng xanh cho các phương tiện lưu thông.

Dưới góc độ của Hiệp hội VLA, ông Trần Đức Nghĩa đề xuất cần đặt ra giả định tất cả lái xe đều không có động cơ che giấu dương tính COVID-19. Đề nghị cho tự kinh doanh bộ xét nghiệm đối với từng doanh nghiệp,điều này vừa giúp dành nguồn lực cho hoạt động chống dịch khác, vừa giúp doanh nghiệp vận tải giảm chi phí.

Ông Nghĩa dẫn chứng: “Tại Bắc Giang đã thực hiện hướng dẫn cho người dân tự thực hiện bộ kit để tự xét nghiệm cho mình. Kinh nghiệm này cần được triển khai diện rộng trên toàn quốc”.

Tại châu Âu và Bắc Mỹ đều bán dịch vụ bộ kit ra thị trường nhưng trong nước đang bị cấm. Chi phí mỗi bộ kit vài chục nghìn, trong khi thực hiện xét nghiệm nhanh ít nhất doanh nghiệp phải chi 200 nghìn/test. Quá trình xét nghiệm này đang vô hình trung gây rủi ro lây lan dịch bệnh, do đó đề nghị Bộ Y tế xem xét kiến nghị trên.

Các cơ quan chức năng nên ngồi lại với nhau kết nối phần mềm chống dịch hiện tại như: khaibaoyte, bluezone, mã QR luồng xanh… Có thể áp dụng công nghệ thông tin để phân luồng tự động. Tại mỗi chốt có thể biết xe phân luồng nào đi qua để kiểm tra phương tiện và người lái chưa được gắn mã chứ không phải xe nào đi qua cũng kiểm tra, gây tình trạng ách tắc.

Thứ hai, để đảm bảo cho lực lượng lái xe, đảm bảo lưu thông hàng hoá thiết yếu và xuất nhập khẩu, mong Bộ Y tế, BCĐ phòng chống dịch quốc gia ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lái xe để bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hoá của nền kinh tế.

Không có giải pháp nào cùng lúc đáp ứng trọn vẹn tất cả mục tiêu. Chính vì vậy cần phải áp dụng biện pháp quản trị rủi ro. Con số bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, không đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Do vậy, trong tình huống nào phải chấp nhận rủi ro, đảm bảo cân bằng giữa phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh. Tất nhiên phải ưu tiên phòng chống dịch, tránh tình trạng quá tải cho nền kinh tế như TP. HCM đang vướng phải.

Nguồn: vlr.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *