“Phát triển logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy XNK hàng hóa”

“Phát triển logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy XNK hàng hóa”

Sáng 6/4/2023, Tọa đàm “Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy XNK hàng hóa” do Tạp chí Hải quan tổ chức đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Tại tọa đàm, các diễn giả và doanh nghiệp trao đổi về thực trạng và các giải pháp để phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước.

2.jpg
Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan cho rằng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất quan trọng với sự tăng trưởng kinh tế của cả nước – Ảnh: Phó Bá Cường

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế năng động, quan trọng với sự tăng trưởng kinh tế của cả nước với 35% GRDP, hơn 40% thu ngân sách, tổng kim ngạch XNK của cả nước. Ngành logistics được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc hình thành năng lực sản xuất mới, gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế sự phát triển logistics của vùng chưa tương xứng. Do đó, Tạp chí Hải quan tổ chức buổi tọa đàm: “Phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa”, nhằm mục đích nhận diện thực trạng, đặc biệt là những hạn chế đang kìm hãm cũng như tìm giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát triển dịch vụ logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy XNK hàng hóa

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua các cơ quan ban ngành đã tính cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc tồn đọng như kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, quy hoạch hệ thống cảng còn khá manh mún ảnh hưởng tới tốc độ phát triển logistics, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn; thiếu cơ chế để tạo ra sự liên kết, kết nối thực chất giữa các địa phương… đã khiến doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp XNK gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.

Đánh giá về thực trạng logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trong điểm phía Nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp. Do vậy, để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, Cục Hải quan TP.HCM luôn nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, góp phần khai thác tối đa năng lực của các cảng biển, kho bãi, địa điểm nói riêng và cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, góp phần đáng kể tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không.

3.jpg
Giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp… là những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm đề cập tại Tọa đàm – Ảnh: Phó Bá Cường

Xác định tầm quan trọng của công tác tạo thuận lợi thương mại đối với nền kinh tế cũng như quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, năm 2019 Cục Hải quan TP.HCM đã chủ trì xây dựng và đưa vào thực hiện Đề án Tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái (Đề án 2318). Đây là một trong những chương trình đột phá của Cục Hải quan TP.HCM nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics tại thành phố.

Tùng Chi – Thiện Khánh

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *