Royal Dutch Shell lỗ ròng 21,7 tỷ USD trong năm 2020

Royal Dutch Shell lỗ ròng 21,7 tỷ USD trong năm 2020

Royal Dutch Shell đã lỗ ròng 21,7 tỷ USD (18,1 tỷ euro) vào năm 2020, khi các nhà máy đóng cửa và máy bay dừng hoạt động.
Giàn khoan dầu của Roal Dutch Shell. Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh và Hà Lan Royal Dutch Shell ngày 4/2  đã trở thành công ty dầu khí mới nhất tiết lộ khoản lỗ lớn trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu năng lượng suy yếu và giá dầu trượt dốc.
Cụ thể, Shell cho biết công ty này đã lỗ ròng 21,7 tỷ USD (18,1 tỷ euro) vào năm 2020, khi các nhà máy đóng cửa và máy bay dừng hoạt động. Con số này hoàn toàn trái ngược với mức lợi nhuận ròng 15,8 tỷ USD ghi nhận trong năm 2019.
Giám đốc điều hành của Royal Dutch Shell Ben van Beurden nói, năm 2020 là một năm bất thường. Shell đã thực hiện những hành động cứng rắn và dứt khoát để vượt qua cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này. Tập đoàn đã công bố kế hoạch cắt giảm tới 9.000 việc làm, tương đương hơn 10% lực lượng lao động trên toàn cầu.
Kết quả kinh doanh của Shell cũng phản ánh tình hình chung của các công ty khác trong lĩnh vực năng lượng. Đối thủ BP (Anh) cũng đang lên kế hoạch cắt giảm khoảng 10.000 việc làm, sau khi công bố mức lỗ ròng 20,3 tỷ USD vào ngày 2/2 vừa qua.

“Gã khổng lồ” năng lượng Exxon Mobil của Mỹ cũng chứng kiến khoản lỗ 22,4 tỷ USD vào năm 2020, trong khi con số thua lỗ của Chevron trong cùng kỳ là 5,5 tỷ USD.
Richard Hunter, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Interactive Investo cho hay, các kết quả kinh doanh gần đây của các công ty dầu mỏ lớn đều ảm đạm, và Shell cũng không phải là ngoại lệ.

Đại dịch rõ ràng đã có tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực năng lượng nói chung và giá dầu giá nói riêng.

Thêm vào đó, tác động kép của tình trạng cung vượt cầu và sự suy giảm mạnh mẽ nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ khi các máy bay không hoạt động, hoạt động du lịch “nhỏ giọt” và hoạt động sản xuất gián đoạn trong thời gian nhiều quốc gia ban hành lệnh phong tỏa, cũng đè nặng lên các công ty dầu khí.
Sau khi lệnh phong tỏa xã hội bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, giá dầu đã lao dốc không phanh, thậm chí có lúc rơi xuống mức âm. Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã tăng trở lại vào cuối năm.
Mặc dù hy vọng phục hồi kinh tế được thúc đẩy bởi việc các nước triển khai vaccine ngừa dịch COVID-19, song Shell cho biết vẫn tồn tại sự bất ổn đáng kể trong các điều kiện kinh tế vĩ mô, dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu, khí đốt và các sản phẩm liên quan./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *