Tìm giải pháp phát triển ngành logistics thích ứng tình hình mới

Tìm giải pháp phát triển ngành logistics thích ứng tình hình mới

Với vị trí là cửa ngõ thông thương quốc tế của vùng Đông Nam Bộ, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của Tp. Hồ Chí Minh.
Quang Cảnh cảng Cát Lái luôn đầy ắp hàng hóa. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Chiều 30/11, Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh (HLA) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics Tp. Hồ Chí Minh”, nhằm tìm các giải pháp thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, nhất là sự phục hồi sau tác động của dịch COVID-19.
Với vị trí là cửa ngõ thông thương quốc tế của vùng Đông Nam Bộ, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của Tp. Hồ Chí Minh.

Hai tháng sau khi Tp. Hồ Chí Minh mở cửa trở lại (từ ngày 1/10), các doanh nghiệp logistics Tp. Hồ Chí Minh đã và đang tích cực thích nghi với điều kiện mới để phục hồi kinh tế, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khó khăn thách thức.
Theo bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới. Dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, do vậy các doanh nghiệp logistics phải xác định những thách thức trong những năm tiếp theo, ứng với nhiều kịch bản hoạt động cho phù hợp.

HLA cũng mong muốn, logistics là nhóm ngành được ưu tiên trong gói kích cầu, qua đó cũng hỗ trợ cho các ngành nghề khác phát triển.
Trong Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 – 15%.
Phân tích về điểm yếu hiện nay của nhà cung ứng dịch vụ logistics, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thông tin của doanh nghiệp logistics chưa minh bạch rõ ràng, quy trình chưa được chuẩn hóa; phần lớn chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản.

Tiềm lực tài chính yếu (90% doanh nghiệp có vốn điều lệ vài tỷ đồng), các doanh nghiệp logistics phân mảnh và manh mún; mức độ đầu tư công nghệ thông tin hiện đại còn kém.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, ngành logistics có vai trò rất quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng GRDP của Tp. Hồ Chí Minh trong những năm qua. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, hiện nay, tính về đầu tư cho logistics chưa nhiều, lĩnh vực này phát triển vẫn còn mang tính tự phát, do doanh nghiệp thực hiện là chủ yếu.
“Mục tiêu thời gian tới của thành phố là đầu tư hạ tầng trung tâm logistics để có thể vận hành hệ thống kho hàng với các kệ hàng tự động. Hình thành các trung tâm logistics được đầu tư hiện đại, bố trí ở những vị trí phù hợp để kết nối hạ tầng giao thông, nguồn hàng và hình thành dịch vụ logistics liên kết vùng”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.
Theo phân tích của các đại biểu, hiện hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt còn chậm đầu tư, thiếu kết nối giao thông đa phương thức; hệ thống đường vành đai Tp. Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh và đồng bộ… Hiện chỉ có đường sắt Bắc – Nam đang khai thác, nhưng sản lượng còn hạn chế. Điều này dẫn đến chi phí logistics cao (trên 18%), chi phí vận tải chiếm phần lớn.
Để ngành logistics phát triển thời gian tới, theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, cần tăng vốn đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giao thông và logistics cùng với phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ sinh thái thương mại điện tử; thúc đẩy công nghệ, hình thành và phát triển dịch vụ logistics sáng tạo.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác, liên kết vùng, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do; duy trì hệ thống pháp luật, tài khóa, tiền tệ hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động… để phát triển lĩnh vực logistics.
Ở góc độ lĩnh vực hải quan, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh sẽ triển khai hệ thống công nghệ thông tin, đề xuất mở trung tâm đăng ký tờ khai tập trung; đơn giản hóa thủ tục, đăng kiểm, kiểm tra chuyên ngành… nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hoạt động.
Cũng tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng đã phân tích xu hướng phát triển cảng biển Tp. Hồ Chí Minh và chiến lược phát triển cảng Nhà Bè, Hiệp Phước thời gian tới; tiềm năng phát triển logistics Tp. Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam…/.

Tiến Lực/TTXVN

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *