Vật liệu xây dựng thân thiện môi trường: Xu thế mới của thời đại

Vật liệu xây dựng thân thiện môi trường: Xu thế mới của thời đại

(Xây dựng) – Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt thì sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng.

Kiện rơm là một trong các loại vật liệu được sử dụng nhiều ở nông trại vì cách âm, cách nhiệt, chống cháy (Ảnh: Internet)

Có thể thấy, nhu cầu bảo vệ môi trường đang là ưu tiên hàng đầu của xã hội, do đó các thiết kế, kiến trúc cũng phát triển theo hướng bền vững. Trong số đó phải kể đến ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất vật liệu sạch, tái chế, vật liệu thay thế có nhiều ưu việt hơn các sản phẩm truyền thống.

Theo ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay đã có nhiều chính sách, nghị định nhằm khuyến khích phát triển các loại vật liệu thân thiện môi trường.

Cụ thể, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về Quản lý vật liệu xây dựng do Chính Phủ ban hành ngày 5/4/2016 quy định Chính sách chung phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong Chương V, từ Điều 37 đến Điều 40. Theo đó, ở Điều 37, Khoản 2, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước.

Theo Điều 38, các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sẽ được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu đầu tư của Nhà nước.

Như vậy, việc phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo từ rất sớm. Ngày 28/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung (Chương trình 567). Mục tiêu của Chương trình 567 là góp phần thay thế một phần gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Triển khai Chương trình 567, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 và Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 (thay thế Thông tư 09/2012/TT-BXD) quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng vật liệu không nung (tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên đối với việc sử dụng vật liệu xây không nung cần đòi hỏi kỹ thuật, vật tư vật liệu phụ trợ khắt khe hơn so với sử dụng vật liệu xây truyền thống. Để đảm bảo chất lượng công trình, ngoài việc sử dụng vật liệu phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn, người sử dụng cũng cần chú ý việc tuân thủ quy trình thi công.

Ngày càng nhiều công trình sử dụng kính Low – E nhằm tiết kiệm năng lượng (Ảnh: Internet)

Trên thị trường hiện nay, các loại vật liệu xây dựng xanh cũng ngày càng đa dạng hơn. Ở hạng mục vật liệu không nung có gạch bê tông khí chưng áp, panel bê tông khi chưng áp, gạch bê tông, panel bê tông rỗng đùn ép. Kính Low-E và kính Solar Control mới có khả năng giảm sự truyền nhiệt vào công trình, từ đó giảm công suất điều hòa cũng như điện năng tiêu thụ.

Nhiều nhà máy đã sản xuất ngói lợp không nung, cát nghiền, cốt liệu tái chế từ nguồn phế thải công nghiệp. Ngoài ra còn rất nhiều vật liệu xây dựng khác sử dụng phế thải công nghiệp tro, xỉ nhiệt điện như xi măng, gạch bê tông lát hè, gạch đất sét nung, bê tông trộn sẵn… để giảm tỷ lệ sử dụng vật liệu thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các sản phẩm xanh có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể hơi cao hơn các vật liệu truyền thống. Tuy nhiên, cần xem xét về lâu dài, những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn, có vòng đời sử dụng dài hơn, từ đó tiết kiệm tiền cho người sử dụng, chủ đầu tư… Với những tiềm năng như vậy, chỉ cần tối ưu hóa, khắc phục những điểm yếu thì vật liệu xây dựng xanh sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu.

Nguồn: Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *