OPEC+ đồng thuận ngăn đà “rơi tự do” của giá dầu

OPEC+ đồng thuận ngăn đà “rơi tự do” của giá dầu

 Sau nhiều trở ngại cuối cùng OPEC và các đối tác liên minh (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày (tương đương 10% nguồn cung toàn cầu) trong tháng Năm và tháng Sáu.
Bảng giá xăng được niêm yết tại một cửa hàng xăng của Tập đoàn BP ở Brooklyn, New York (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Sau nhiều trở ngại cuối cùng Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác liên minh (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày (tương đương 10% nguồn cung toàn cầu) trong tháng Năm và tháng Sáu trong nỗ lực “giải cứu” thị trường dầu mỏ đang trải qua cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu năng lượng.

Theo đó, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC+, đồng ý cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày.

Các thành viên OPEC+ khác nhất trí cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. OPEC kêu gọi Mỹ, Canada và các nước sản xuất dầu khác cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày.
Cũng theo thỏa thuận, từ tháng 7 tới tháng 12/2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 là 6 triệu thùng/ngày.

Nhằm ứng phó tình trạng dư cung dầu toàn cầu và giá dầu trượt dốc kể từ giữa năm 2014, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017.

Sau nhiều lần gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng năm 2019 của OPEC+ (với mức cắt giảm lên tới 2,1 triệu thùng/ngày tính cả phần cắt giảm tự nguyện 400.000 thùng/ngày của Saudi Arabia) đã hết hạn vào ngày 31/3/2020 và các nước phải tính đến thỏa thuận mới nếu muốn tiếp tục hạn chế nguồn cung.

Thỏa thuận mới, “cài đặt” lại liên minh OPEC+, cũng là sự phục hồi quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga sau khi hai nước bất đồng về vấn đề cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 6/3, dẫn đến việc Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu với Nga.

Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga đồng thời là thành viên nhóm đàm phán của Nga, ông Kirill Dmitriev, nói với Arab News rằng “Nga và Saudi Arabia, cùng với sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ, có thể mang lại sự ổn định cho thị trường năng lượng toàn cầu”.

Ông Dmitriev nhấn mạnh: “Đây là thời điểm quan trọng mang tính lịch sử, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Chúng ta đã đồng ý gạt bỏ bất đồng và thúc đẩy thỏa thuận bao gồm các thành viên OPEC+ và các nước sản xuất dầu thô khác”.

Về phần mình Bộ Năng lượng Mỹ viện dẫn báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ nói rằng sản lượng dầu của nước này tự giảm mà không cần bất cứ hành động nào của Chính phủ.

Chuyên gia dầu mỏ người Liban Rabia Yaghi nhận định dịch COVID-19 khiến các hoạt động sản xuất bị đình trệ, hiện có khoảng 20% lượng dầu trên thế giới bị dư thừa.

Do đó, các nước xuất khẩu dầu thô buộc phải cân bằng cung cầu. Điều này là không thể tránh khỏi.

Sự đồng thuận của Saudi Arabia và Nga được kỳ vọng sẽ giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ do nhu cầu yếu.

Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm tới 30% (tương đương 30 triệu thùng/ngày) do chính phủ các nước triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 làm giảm hoạt động của các phương tiện giao thông và nền kinh tế.

Hiện giá dầu Brent đang được giao dịch vào khoảng 32 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ New York đứng ở mức 24 USD/thùng, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức hồi cuối năm 2019./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *