Chuyển đổi để phát triển ngành logistics Việt Nam

Chuyển đổi để phát triển ngành logistics Việt Nam

“Thách thức lớn nhất hiện nay với ngành logistics là chuyển đổi mô hình kinh doanh, đòi hỏi sự thay đổi lớn trong toàn bộ máy doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và Hiệp hội doanh nghiệp”.

Đó là chia sẻ trong bài tham luận của ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển” diễn ra vào sáng nay (19-10) tại TP.Hồ Chí Minh.

diendan1.jpg
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Thách thức chuyển đổi số

Theo ông Khoa, ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian vừa qua có sự tăng trưởng 14 – 16%, là mức rất cao so với bình quân thế giới từ 4-5%. Điều này có được là do bản chất của ngành dịch vụ và gắn liền với các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại nội địa, cũng như sự hỗ trợ bởi những công nghệ mới và bùng nổ của thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực logistics thời gian gần đây, các khái niệm mới liên tục xuất hiện, trong đó nổi bật nhất là “Quản lý Chuỗi Cung ứng – SCM”, cụm từ “logistics và quản lý chuỗi cung ứng” (LSCM) đã trở nên phổ biến tại các nước phát triển và hiện đang là ngành học, nghề nghiệp “hot” tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm 2018-2020, hàng loạt vấn đề đã mới đã phát sinh thách thức cả giới chuyên gia LSCM thế giới. Một từ khóa mới đang được nổi lên là “VUCA”. Đó là tổng hợp của các từ “Biến động – Không chắc chắn – Phức tạp – Mơ hồ”.  

Về thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành logistics là chuyển đổi mô hình kinh doanh. Việc này đòi hỏi sự thay đổi lớn trong toàn bộ máy trong khi nhiều lãnh đạo đã chứng kiến các bài học không thành công của các dự án có quy mô nhỏ hơn. Các start-up cho thấy họ chấp nhận rủi ro và sẵn sàng với mô hình mới khác với truyền thống trong khi các doanh nghiệp truyền thống không dễ thực hiện điều này.

Riêng với chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức cho cả hai phía gồm doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ nhất, về phía doanh nghiệp, khó tìm các giải pháp tương thích giữa các hệ thống quản lý vận hành của công ty mình và khách hàng; Khó khăn về nguồn vốn và nhân lực; Chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp (39%); Không biết nên đầu tư như thế nào (29%); Khối lượng thông tin hiện hữu cần số hóa quá lớn.

Ngoài ra, hai thực tế “ẩn” dẫn tới việc thiếu động lực chuyển đổi số, mới được chia sẻ bởi một lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ logistics mà ít có nghiên cứu nào nêu lên, đó là, cho dù có các phần mềm hay hệ thống thì thực tế việc di chuyển của hàng hóa, vận hành phương tiện, thao tác của con người,… vẫn đang được thực hiện thủ công và rất “thật” (so với môi trường công nghệ hay được xem là “ảo”). Bên cạnh đó còn là rào cản của các yếu tố không đồng bộ và thiếu minh bạch trong ngành logistics, cụ thể như phí cầu đường và tải trọng. Dù rất quan tâm nhưng nhiều lãnh đạo không quyết định được do không có phân tích thuyết phục về tính hiệu quả của các dự án đầu tư vào công nghệ.

Thứ hai, về các cơ quan quản lý, thực tế cho thấy cơ quan chức năng chưa tạo được các điều kiện và hoạt động thực tế hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả. Một số ví dụ có thể thấy như: Kế hoạch hành động quốc gia không có cam kết về ngân sách, thậm chí không có bộ máy chuyên trách quản lý; Triển khai tại các địa phương, kế hoạch hành động thường được đơn giản hóa do điều kiện thực tế của các địa phương – không còn xuyên suốt và kịp thời; Các quy hoạch thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành và không chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn, thực thi chậm – nhất là trong hạ tầng giao thông vận tải; Hạ tầng thông tin logistics phục vụ doanh nghiệp chưa được xây dựng; Cơ quan khoa học – công nghệ chưa có hỗ trợ nào được triển khai cho hoạt động đổi mới công nghệ LSCM dù đã có nhiều chương trình, nguồn vốn/quỹ (như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia – NATIF); Các địa phương đầu tàu như TP.HCM chưa có sự quan tâm thích đáng của lãnh đạo dẫn tới chậm xây dựng và triển khai đề án phát triển dich vụ logistics (riêng việc xây dựng đề án đã mất gần 3 năm).

diendan3.jpg
Diễn đàn “Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển”

“Nhìn chung, dù logistics đã được xác định là ngành dịch vụ then chốt, tác động trực tiếp tới năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng sự quan tâm và triển khai của các bộ ngành và địa phương là chưa tương thích. Doanh nghiệp vẫn đang tự xoay trở và phát triển ngành đang trong tình trạng cơ bản là tự phát”, ông Khoa lý giải.

Định hướng giải pháp

Khuyến nghị về một số định hướng để các doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh đến các giải pháp bao gồm: Một là, Freight Forwarder “thế hệ mới”. Tạm dùng tên này để chỉ các nhà giao nhận vận tải quốc tế có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế có thể cạnh tranh và tồn tại trước làn sóng “loại bỏ trung gian”.

Hai là, tự động hoá và nâng cao hiệu suất hoạt động 3PL: Các 3PL chuyển dần sang áp dụng hệ thống kho bãi vận hành tự động để tăng tốc độ, hiệu suất/năng suất, độ chính xác, an ninh và giảm chi phí.

Ba là, phát triển các nền tảng tích hợp đa phương thức, việc này đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng và đặc biệt cần có sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan chức năng liên quan trong chuỗi cung ứng. Các sàn giao dịch hỗ trợ đặt chỗ và quản lý lô hàng một cách tự động, sử dụng nguồn lực xã hội. Theo xu hướng này, các hiệp hội và liên đoàn là các bên phù hợp và thuận lợi nhất để đứng ra tổ chức.

Bốn là, cảng thông minh, các cảng là các mắt xích lớn của nhiều chuỗi cung ứng, nếu được quản lý vận hành thông minh sẽ giải quyết tốt bài toán luân chuyển và kế hoạch vận hành cho nhiều bên bao gồm nhà sản xuất, XNK, hãng tàu, các bên liên quan khác. Các cảng lớn trên thế giới hiện đang phát triển hệ thống nền tảng mở cho các bên kết nối vào và phối hợp thực hiện các nghiệp vụ theo thời gian thực.

Năm là, mạng cung ứng số. Đây sẽ là cuộc cách mạng mới về chuỗi cung ứng, theo các chuyên gia Mỹ từ năm 2018 thì “SCM đã chết”, thay vào đó là “DSN” (Digital Supply Network). Cấu trúc mạng lưới thay thế cho cấu trúc tuyến tính (linear supply chain), cho phép một cụm ngành vận hành chung trên một hệ thống các nền tảng và trung tâm dữ liệu, với một hệ thống điều hành chung.

diendan2.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển”.

Để hỗ trợ ngành dịch vụ Logistics phát triển, Phó chủ tịch thường trực VLA cũng đề xuất các chính sách như sau:

Thứ nhất, phát triển tiếp Chương trình hành động quốc gia về logistics: Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều quan tâm sâu sát hơn tới sự phát triển ngành logistics, nay cần có xem xét đánh giá và phát triển chương trình hành động cấp quốc gia giai đoạn mới với các hoàn thiện về tổ chức và nguồn lực triển khai. Trong đó chú trọng các biện pháp vĩ mô như quy hoạch tổng thể phát triển ngành (quy hoạch tích hợp) để có thể tạo nền tảng phát triển dài hạn.

Thứ hai, cần có các chương trình phát triển năng lực thực tế: chương trình hành động quốc gia hay các chương trình/dự án/đề án hiện có của các bộ ngành nên tập trung vào một số hoạt động mũi nhọn gồm: Phát triển kỹ năng số cho các cấp nhân sự; Các chương trình xúc tiến thương mại dựa trên giải pháp logistics hiệu quả; Nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, đào tạo và chuyển giao công nghệ với hàng loạt công nghệ mới như đã nêu.

Thứ ba, xác định rõ các Nguồn vốn hỗ trợ phát triển công nghệ logistics: các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nên tiếp tục phát huy: Các giải pháp của Bộ KH-ĐT thông qua cục phát triển doanh nghiệp; Với quỹ phát triển công nghệ quốc gia, đề xuất có chương trình đặc biệt cho logistics trong đó việc tiếp cận nguồn vốn và giải ngân không cần theo quy định có tài sản đảm bảo mà dựa trên tính khả thi và hiệu quả kinh doanh do ứng dụng công nghệ – đúng theo tinh thần của quỹ; Các địa phương cần chủ động đưa ra mức ngân sách hay quỹ hỗ trợ của địa phương, nhất là hoạt động khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau áp dụng giải pháp phát triển thị trường chung – chống đứt gãy chuỗi cung ứng: Hiệp hội Logistics có thể cùng với các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan chức năng xây dựng chuong trình phát triển thị trường chung. Ví dụ phát triển thị trường nông sản trong khu vực Indo-Pacific. Bằng các mối quan hệ của mình, các doanh nghiệp, hiệp hội đã có rất nhiều mối quan hệ khách hàng, nay áp dụng công nghệ DSN là có thể phát triển một mạng cung ứng số giúp tối ưu hóa cho các bên, tăng lợi nhuận đáng kể. Theo cách này, có thể xây dựng 14 mạng lưới với 14 hiệp hội ngành hàng ngay từ năm 2023.

Thứ năm, đào tạo nhân lực có kỹ năng số vượt trội: Cần tập trung đào tạo lực lượng tinh nhuệ để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đề xuất chọn một nhóm tinh hoa từ các doanh nghiệp, trường, viện để đào tạo, trang bị cho họ những kiến thức, công cụ mới để có thể tư vấn, thiết kế, cung cấp giải pháp cho nhiều doanh nghiệp, quy mô lớn.

Tuệ Minh

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *